- Thực trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh gas
Nói đến vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh gas thì có rất nhiều hành vi được thực hiện bởi nhiều chủ thể; tuy nhiên trong phạm vi báo cáo này chỉ tập trung trình bày những vi phạm chủ yếu, đó là hành vi sản suất, buôn bán gas (với tư cách là hàng hóa) giả và hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh gas đã được nhà nước cấp văn bằng bảo hộ.
Hiện nay ở Việt Nam có hai nguồn cung cấp gas chính, đó là gas sản xuất trong nước do Nhà máy Dinh Cố sản xuất (chiếm hơn 30%) và nguồn nhập khẩu (trên 60%).
Những năm gần đây thị trường gas trong nước phát triển rất nhanh, mức tiêu thụ, tăng bình quân khoảng 10%/năm. Riêng năm 2008, nhu cầu tiêu dùng gas trên toàn quốc lên tới gần 1 triệu tấn; kinh doanh trong lĩnh vực này có khoảng khoảng 70 doanh nghiệp lớn nhỏ thuộc các thành phần kinh tế, với hơn 5.000 đại lý, trong đó tập trung phần lớn ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Hà Nội khoảng 800 đại lý, TP. Hồ Chí Minh 1.500 đại lý) tham gia.
Cùng với sự lớn mạnh của thị trường thì môi trường kinh doanh gas cũng xuất hiện nhiều bất cập, như chất lượng vỏ bình gas, nạn kinh doanh gas giả, sang chiết nạp trái phép, nhái nhãn mác, nhập khẩu bình gas cũ và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Trong khoảng 70 công ty kinh doanh gas trên cả nước thì chỉ có khoảng 40 công ty có đăng ký nhãn hiệu vỏ bình gas. Còn lại, có tới 30% số lượng vỏ bình gas cung cấp ra thị trường là giả nhãn hiệu.
Có 2 loại vi phạmchủ yếu như sau:
- i)Thu gom bình gas của các Doanh nghiệp khác và tẩy xóa các dấu hiệu, thương hiệu trên bình gas, rồi sau đó chiết nạp gas vào để bán ra thị trường;một số tổ chức và cá nhân lập ra các nhà máy với chức năng đăng ký là cải tạo, sửa chữa vỏ chai gas nhưng hoạt động thực tế là chiếm dụng vỏ chai gas của hãng khác, sau đó cải tạo, thay tai sách, đóng dập lại số seri, sơn hoặc dán logo, nhãn mác biến thành vỏ bình gas của hãng mình để bán ra thị trường. Việc sửa chữa này đã làm thay đổi kết cấu khiến sức chịu áp lực của vỏ chai gas giảm, vì thế các vỏ chai gas bị sửa chữa luôn có nguy cơ biến thành những quả bom có sức công phá lớn. Đối với doanh nghiệp kinh doanh gas thì các bình gas là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, chiếm khoảng 60-70% tổng giá trị tài sản. Đầu tư vào sản xuất hay đặt mua bình gas chi phí khá lớn, đơn vị sở hữu bình gas phải đóng thuế, phải mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chi phí quảng bá cho thương hiệu… chưa kể các chi phí bảo dưỡng, sơn sửa, kiểm định. Thực tế, doanh nghiệp phải mất nhiều năm kinh doanh gas mới khấu hao được vốn đầu tư vào bình gas.
- ii)Chiết nạp gas và các bình mang thương hiệu gas có uy tín để bán (có gian lận về trọng lượng).Việc các tổ chức vi phạm chiết nạp gas mang thương hiệu của các tổ chức khác có hai hình thức: (i) lợi dụng việc gia công cho chính doanh nghiệp bị vi phạm; (ii) thu gom bình gas đã sử dụng của các tổ chức có uy tín và chiết nạp để bán.
Việc chiết nạp lậu gas hiện nay được tổ chức có quy mô, nhiều tổ chức vi phạm có nhà máy chiết nạp trong các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp. Với các hình thức gian lận về gas, Bộ KH-CN đã cảnh báo về việc bán gas không đúng trọng lượng với 64,28% cơ sở kinh doanh được kiểm tra gas vi phạm vấn đề này với mức độ gian lận là khoảng 3% ở mỗi bình gas khi giao hàng. Theo thống kê, Việt Nam hiện tiêu thụ khoảng 1triệu tấn gas/năm; nếu chỉ gian lận 3% ở mỗi lần giao hàng cho khách, thì các CSKD cũng đã trục lợi từ người tiêu dùng một số tiền khổng lồ. Một cảnh báo khác cũng được đưa ra là vấn đề sang chiết gas trái phép; đặc biệt là tình trạng vỏ bình gas cũ không đảm bảo chất lượng hoặc không thông qua kiểm định mà theo Bộ KH-CN, có hơn 10% vỏ bình gas không qua kiểm định.
Có thể nói gian lận trong hoạt động kinh doanh gas đã trở thành “đại dịch”, theo kết quả thanh kiểm tra của Thanh tra Bộ KH-CN thì thời gian qua đã phát hiện nhiều cơ sở có hành vi vi phạm không đủ định lượng (99 lượt cơ sở chiếm 64,28% số vi phạm), bình gas không được kiểm định (chiếm 10,38%) và sang chiết gas trái phép (chiếm 7,14%). Trên thực tế, con số có thể lớn hơn nhiều. Đây là thực trạng đáng báo động và gây sốc cho cơ quan quản lý, các doanh nghiệp kinh doanh gas và cả người tiêu dung. Nếu so sánh thì vi phạm trong hoạt động kinh doanh gas vượt xa và nguy hiểm hơn vi phạm trong lĩnh vực xăng dầu.
- Các thiệt hại xảy ra đối với các Doanh nghiệp bị xâm phạm
– Bị giảm sản lượng kinh doanh gas: Đây là thiệt hại nói chung của các Doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính. Nếu chỉ tính riêng trên các địa bàn từ Thanh Hóa trở ra ngoài Bắc, hiện có hàng chục cơ sở với quy mô lớn đang có hành vi vi phạm. Với trung bình việc chiết nạp lậu của mỗi trạm từ 300-500 tấn/tháng tức tổng số lượng chiết nạp lậu từ 3.000-5.000 tấn /tháng; với việc chiết nạp lậu này làm giảm lợi nhuận ước tính 6-8 tỷ đồng mỗi tháng cho các doanh nghiệp gas trên địa bàn này;
– Tài sản quan trọng của doanh nghiệp kinh doanh gas là các vỏ bình gas bị chiếm dụng bất hợp pháp và bị thay tai, xóa bỏ nhãn hiệu. Việc này cũng làm thiệt hại cho các doanh nghiệp kinh doanh gas khoảng 10.000 vỏ bình mỗi tháng tương đương với thiệt hại khoảng 3 – 4 tỷ đồng mỗi tháng (với thị trường Miền Bắc);
– Thiệt hại lớn đối với các doanh nghiệp bị vi phạm do tổ chức, cá nhân khác chiết nạp lậu các thương hiệu uy tín của mình là ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu gas mà đây là tài sản lớn nhất của một doanh nghiệp có được trong kinh doanh;
– Làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự nói chung. Thống kê năm 2008, tình trạng cháy, nổ do gas diễn biến rất phức tạp, cả nước đã xảy ra 42 vụ cháy nổ gas, làm 6 người chết và bị thương. Như vậy, thiệt hại ở đây không chỉ ảnh hưởng tới các Doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính mà còn ảnh hưởng tới tính mạng, sức khỏe người tiêu dùng; đặc biệt Nhà nước cũng bị thất thu thuế khoảng 80 tỉ đồng một năm.
- Nguyên nhân của thực trạng nêu trên.
3.1 Thiếu hành lang pháp lý;
Gas là mặt hang kinh doanh có điều kiện, nhưng thực tế cho thấy trong gần 20 năm phát triển thị trường Gas cho đến nay chúng ta mới chỉ có một Thông tư số 15/1999/TT-BTM ngày 19/5/1999 của Bộ Thương Mại về hướng dẫn kinh doanh khí đốt hóa lỏng; và một quyết định của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp số 36/2006/QĐ – BCN ngày 16/10/2006 về Ban hành quy chế quản lý kỹ thuật an toàn về nạp khí hóa lỏng dầu mỏ vào chai. Còn rất nhiều đối tượng liên quan như trạm chiết nạp gas, kho bể chứa Gas, điều kiện vận chuyển, điều kiện đăng ký kinh doanh Gas vẫn chưa có văn bản nào quy định. Nhiều ý kiến bức xúc cho rằng, nguyên nhân dẫn tới tình trạng thị trường Gas hỗn loạn là do cấp phép tràn lan cho các trạm chiết và các công ty kinh doanh không đủ điều kiện chiết nạp. Theo đó, có quá nhiều thương hiệu đã được cấp phép dẫn đến việc cạnh tranh không bình đẳng, các công ty không kiểm soát được vỏ bình của mình. Điều này trở gánh nặng cho các cơ quan quản lý. Như vậy, mặc dù là mặt hàng đặc thù nhưng với số lượng văn bản điều chỉnh quá thiếu và nhiều quy định còn bỏ ngỏ như trên là điều kiện thuận lợi cho sự “phát triển” đại dịch về vi phạm trong kinh doanh gas như hiện nay. Những doanh nghiệp kinh doanh gas chân chính đang rất cần một hành lang pháp lý an toàn cho hoạt động kinh doanh này.
3.2 Xử lý vi phạm trong kinh doanh Gas- liều thuốc chưa đủ mạnh.
– Xử phạt hành chính quá nhẹ so với hành vi vi phạm:
(vụ việc bà Phan Thị Tâm Anh – chủ cửa hàng Gas số 54 Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh bị cơ quan chức năng bắt giữ hai lần về tội tiêu thụ gas giả nhãn hiệu số lượng lớn trong vòng chưa đầy 20 ngày và tổng số tiền bà Tâm Anh phải nộp là hơn 30 triệu đồng. Điều này gây bất bình lớn cho các công ty kinh doanh gas bị làm giả nhãn hiệu bởi mức xử phạt quá nhẹ và hơn nữa bà Tâm Anh lại vi phạm nhiều lần với số lượng lớn).
– Số lượng vụ án được khởi tố điều tra truy tố xét xử rất thấp; Việc áp dụng hình phạt theo chế tài hình sự không đảm bảo tính răn đe, giáo dục;
(vụ việc Công ty TNHH Miền Đông, khi Tòa án nhân dân huyện Đức Trọng – Lâm Đồng tuyên bị cáo Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty TNHH Miền Đông hưởng án treo, 8 doanh nghiệp kinh doanh gas bị hại tỏ ra rất bất bình. Bởi với 11 hành vi được liệt kê như: chiếm đoạt tài sản trái phép của các công ty kinh doanh gas, hủy hoại tài sản của người khác biến thành của mình, hàng thật biến thành hàng giả, vi phạm Pháp lệnh phòng chống cháy nổ, vi phạm những quy định về kinh doanh hàng hóa có điều kiện…, nhưng bị cáo lại chỉ bị xử duy nhất một tội danh đó là “sản xuất, buôn bán hàng giả”. Với tội danh này, bị cáo Nguyễn Anh Tuấn chỉ bị kết án…18 tháng tù, nhưng lại cho hưởng…án treo là quá nhẹ so với khung hình phạt đã được nêu ở khoản 1- điều 156 Bộ luật hình sự)
– Sự thiếu ý chấp hành pháp luật của các cơ sở kinh doanh gas: do lợi nhuận từ việc chiết nạp gas lậu là rất lớn nên các cơ sở vi phạm bất chấp hậu quả và quy định của Nhà nước vẫn tiến hành các hành vi gian lận.
– Sau cùng là ý thức của người tiêu dùng cũng là một trong những nguyên nhân góp phần tạo ra các tiêu cực nói trên.
- Giải pháp.
4.1 Hoàn thiện chính sách pháp luật;
4.2 Tăng cường sự quản lý của Nhà nước;
4.3 Xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm;
4.4 Nâng cao ý thức của người tiêu dùng.
- Phần tham khảo: Căn cứ pháp lý để xử lý hành vi chiết nạp lậu gas
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hành vi chiết nạp gas trái phép như nêu ở Mục A trên đây có thể bị coi là: (i) xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với Nhãn hiệu đã đăng ký, hoặc (ii) sản xuất và kinh doanh hàng giả. Dưới đây là những căn cứ pháp lý căn bản để xử lý các hành vi xâm phạm theo quy định của Luật Sở hữu trí tụê năm 2005 và Bộ luật hình sự.
- Sản xuất và kinh doanh hàng giả:
+ Chế tài hành chính: Xử phạt hành chính;
+ Chế tài hình sự: áp dụng hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự.
Về mặt hình sự: Hành vi chiết nạp lậu gas vi phạm một trong hai điều luật sau và/hoặc cả hai điều luật này được quy định trong Bộ Luật hình sự, đó là Tội sản xuất, buôn bán hàng giả theo quy định tại Điều 156 ([1]) và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại Điều 171 ([2]) Bộ luật hình sự. Nếu hành vi này chưa tới mức xử lý hình sự thì Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 ([3]) Nghị định số 06/2008/NĐ-CP ngày 16/ 01/2008 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại thì hành vi sang chiết lậu gas sẽ bị coi là vi phạm trong lĩnh vực thương mại và bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 24 của Nghị định này. Ngoài ra, hành vi trên cũng xâm phạm đến Quyền sở hữu công nghiệp của các doanh nghiệp kinh doanh gas được nhà nước bảo hộ và có thể bị xử lý hành chính về hành vi trong lĩnh vực này theo quy định tương ứng.
([1]) Điều 156. Tội sản xuất, buôn bán hàng giả
- Người nào sản xuất, buôn bán hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ ba mươi triệu đồng đến dưới một trăm năm mươi triệu đồng hoặc dưới ba mươi triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các điều 153, 154,155, 157, 158, 159 và 161 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Có tính chất chuyên nghiệp;
- c) Tái phạm nguy hiểm;
- d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
đ) Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
- e) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ một trăm năm mươi triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
- g) Thu lợi bất chính lớn;
- h) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
- a) Hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
- b) Thu lợi bất chính rất lớn hoặc đặc biệt lớn;
- c) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
([2])Điều 171. Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
- Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, tên gọi, xuất xứ hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.
- Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
- a) Có tổ chức;
- b) Phạm tội nhiều lần;
- c) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
- Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
([3]) 8. Hàng giả bao gồm:
- a) Giả chất lượng và công dụng: hàng hoá không có giá trị sử dụng hoặc giá trị sử dụng không đúng với nguồn gốc, bản chất tự nhiên, tên gọi và công dụng của hàng hoá;
- b) Giả mạo nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá: hàng hoá giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác trên nhãn hoặc bao bì cùng loại hàng hoá; hàng hoá giả mạo chỉ dẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp trên nhãn hoặc bao bì hàng hoá;
- c) Giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm hàng hoá có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý; hàng hoá là bản sao được sản xuất mà không được phép của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan;
- d) Các loại đề can, nhãn hàng hoá, bao bì hàng hoá, tem chất lượng, tem chống giả, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hoá có nội dung giả mạo tên, địa chỉ thương nhân, nguồn gốc hàng hoá, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hoá (sau đây gọi tắt là tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả);
đ) Đối với hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nếu pháp luật có quy định riêng thì áp dụng các quy định đó để xác định hàng giả