Bên cạnh việc sử dụng điện năng trong sinh hoạt, sản xuất thì việc sử dụng gas cũng rất phổ biến trong nhân dân. Gas được sử dụng rộng rãi trong dân dụng, thương mại, vận tải và các ứng dụng công nghiệp, nhất là trong đun nấu ở các hộ gia đình từ thành thị đến nông thôn. Khi gas thoát ra khỏi thiết bị chứa, sẽ chuyển thành thể khí nên rất khó bảo quản, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ hỗn hợp khí gas trong môi trường bắt lửa là có thể tạo thành một hỗn hợp cháy nổ.
Trong năm 2020, trên địa bàn tỉnh không xảy ra những vụ cháy nổ từ gas nhưng đầu tháng 1 năm 2021 đã xảy ra 1 vụ cháy do bất cẩn trong việc sử dụng bếp gas để đun nấu thức ăn gây cháy tại một hộ dân trên địa bàn phường 3, thành phố Mỹ Tho. Rất may, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ đã đến hiện trường kịp thời, phá cửa vào nhà cứu được một người già đang mắc kẹt bên trong, đồng thời tắt nguồn lửa đang cháy ở bếp gas, không để xảy ra cháy lan và thiệt hại về tài sản.
Lực lượng PCCC&CNCH chữa cháy nhà dân
Do đó, để chủ động phòng ngừa, không để xảy ra cháy khi sử dụng, kinh doanh gas, phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ – Công an tỉnh khuyến cáo mọi người cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Chọn bếp gas có chất lượng tốt, rõ nguồn gốc xuất xứ, nên sử dụng các loại bếp có các bộ phận an toàn như: Rơle an toàn khi tắt lửa, Rơle an toàn khi quá nhiệt…
– Lắp đặt bếp gas ở nơi thông thoáng, nhưng tránh gió lùa trực tiếp, không đặt ở nơi ẩm ướt hoặc nơi có môi trường ăn mòn. Bếp đặt cách mặt tường các bên 15cm, các vật treo phía dưới tối thiểu 1,5m.
– Bình gas phải đặt ở trạng thái thẳng đứng khi sử dụng. Nơi để bình phải thoáng khí, dễ thấy. Bình gas phải đặt cách xa nguồn nhiệt và nơi có thể phát sinh tia lửa (ổ cắm, công tắc, thiết bị điện…) tối thiểu 1,5m.
– Ống dẫn gas giữa bình và bếp phải phải đảm bảo độ kín; sau khi lắp xong tốt nhất là nên kiểm tra độ kín bằng nước xà phòng, ống dẫn không nên để dài quá 2m, nên chọn các loại ống mà bên trong có lớp lõi thép bảo vệ.
– Hạn chế việc dùng nồi có đáy quá lớn đun nấu trên bếp gas mini vì ngọn lửa sẽ trùm xuống bình gas rất nguy hiểm.
– Không dùng bếp quá cũ vì rỉ sét và cặn thức ăn lưu lại trong quá trình đun nấu dễ gây tắc nghẽn ống dẫn gas, van, miệng phụt lửa…
– Không nên dùng bình gas san, chiết lại (bếp mini) vì hiện nay các loại bình chứa khí nén ít được kiểm soát một cách đầy đủ, các cơ sở sản xuất lậu mua bình chứa khí trôi nổi kém chất lượng rồi bán cho người tiêu dùng.
– Nên đặt bình thấp hơn bếp, không đặt bình úp hoặc nằm ngang. Sau 3 – 5 năm sử dụng nên thay ống, dây dẫn gas.
– Không nên để gas trong tầng hầm, chỗ khuất, kín gió. Cảnh giác với các trò tiếp thị thiết bị gas trôi nổi, đồng thời thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng bếp gas, bình gas, van gas, ống dẫn gas… Khi đun nấu xong phải nhớ khóa van bình gas lại.
Nếu phát hiện có rò rỉ gas phải thực hiện các thao tác sau:
– Tắt ngay bếp và các ngồn lửa khác xung quanh khu vực đặt bình. Chú ý không đóng hoặc ngắt các công tắc, thiết bị điện để tránh phát sinh tia lửa. Đóng ngay van bình gas.
– Thông gió để phát tán làm giảm nồng độ hơi gas. Có thể bằng việc mở các cửa, thông gió nhân tạo an toàn hoặc sử dụng bình khí CO2, N2 để làm loãng. Tìm chỗ rò bằng cách dùng nước xà phòng (cấm dùng ngọn lửa).
– Bịt chặt chỗ rò, có thể bằng cách trát xà phòng vào chỗ rò sau đó quấn băng keo, hoặc dùng dây cao su buộc chặt lại.
– Nếu không khắc phục được rò rỏ cần mang ngay bình ra nơi trống, thoáng gió, xa cống rãnh, xa nguồn lửa và khu dân cư